Cô nữ sinh 23 tuổi, quê Quảng Bình, tung chăn vùng dậy, nhìn xung quanh thấy ba người bạn cùng chuyến bay từ Berlin về cũng lục đục kéo nhau dậy. Ngọc Ánh mỉm cười rồi bước vào khu vệ sinh, lùa dòng nước mát lạnh vào mặt.
Mười lăm phút sau, bữa sáng đầu tiên được anh bộ đội dáng người nhỏ bé, mặc đồ bảo hộ kín mít mang đến tận phòng. Gần hai năm mới trở về Việt Nam, cô và các bạn cùng phòng được đãi món bánh mì kẹp thịt.
Chiến sĩ phụ trách tầng 9 khu cách ly của Đặng Ngọc Ánh đang kiểm tra thân nhiệt của mọi người. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Khu cách ly Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai) đang đón nhận hơn 1.800 người từ nước ngoài bay về Việt Nam tránh cơn bão Covid-19. Cũng giống như các tầng khác, tầng 9 của Đặng Ngọc Ánh có một anh chiến sĩ trẻ phụ trách việc hậu cần. Không ai biết cụ thể công việc của anh, nhưng những thứ liên quan đến người cách ly như vận chuyển đồ tiếp tế của gia đình gửi vào, chuẩn bị đồ ăn ba bữa, mang nước sát khuẩn, khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt... đều do anh đảm nhiệm.
11 giờ trưa, người chiến sĩ lại gõ cửa từng phòng, gọi mọi người lấy đồ ăn, mọi người lập tức xúm lại hỏi về địa chỉ tòa nhà để nhận đồ tiếp tế, hỏi cách mua sim điện thoại, thậm chí chê phòng bẩn... khiến chàng trai trẻ trở nên luống cuống.
"Thôi đừng mang cháo đến nữa nhé. Bọn trẻ Biên phiên dịch nhà tôi không ăn, vứt hết ở kia kìa", tiếng phàn nàn của một phụ nữ vang lên. Hai hộp cháo trên tay anh bộ đội bỗng rụt lại, ngượng ngùng: "Vâng, để cháu báo cáo lên cấp trên".
Những tiếng than vãn về thùng hàng tiếp tế chưa được nhận liên tiếp dội vào tai anh lính trẻ. Lời xin lỗi lại được thốt ra. Hà Nội giữa trưa tháng 3, trong bộ quần áo bảo hộ kín mít, mồ hôi chảy ròng ròng từ trán xuống mặt anh.
"Một mình phụ trách bao người. Làm vất vả thế, cả nhà nên thông cảm cho anh ấy", Ánh lên tiếng trước thái độ của một số người. Ba bạn cùng phòng cùng giơ ngón tay cái ủng hộ rồi chạy ra bê giúp anh thùng cơm nặng. Vừa bê thùng cơm, vừa xua tay từ chối sự giúp đỡ, miệng anh lính liên tục nói: "Không cần đâu các em, đây là nhiệm vụ của anh. Đang trong khu vực cách ly, tránh tiếp xúc nhiều người".
Phục vụ xong bữa trưa, anh đứng thở dốc. Mấy ngày nay, mỗi đêm anh chỉ được ngủ hai tiếng. Những đoàn người từ nước ngoài trở về, liên tiếp được chuyển vào khu cách ly, công việc hậu cần vì thế tăng gấp nhiều lần. Sau kính bảo hộ, đôi mắt nhiều ngày thiếu ngủ đỏ ngầu và khô rát.
10h đêm hôm đó, trong phòng Ánh có bạn đau họng. Năm phút sau anh bộ đội trẻ cùng một nữ bác sĩ xuất hiện với thiết bị y tế sẵn sàng. Sau khi có kết luận chỉ đau họng thông thường, anh bước ra hành lang, buông người xuống ghế, rút trong túi tập giấy khô lau mồ hôi trên mặt rồi thở hắt. "Nếu bọn mình không về Việt Nam, có khi anh ấy được ngủ thêm 15-20 phút nữa", Ánh nói với các bạn.
Tối ngày thứ hai tại khu cách ly, nữ du học sinh 23 tuổi viết trên trang cá nhân: "Xin lỗi mọi người vì chúng em đã chất thêm gánh nặng lên vai các anh, các chị, lên Tổ quốc". Mắt Ánh nhòe đi.
Một bữa cơm của Ngọc Ánh trong khu cách ly. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Chứng kiến những công việc của người phụ trách tầng, bốn bạn trẻ cùng phòng Ánh thống nhất sẽ hỗ trợ, ít làm phiền nhất tới những người phục vụ tại đây.
Để ý có người không vứt rác vào điểm tập kết theo đúng quy định, Ánh và bạn đi gõ cửa từng phòng nhắc nhở. Mỗi khi ăn cơm xong, hành lang cũng được quét dọn sạch sẽ dù không ai yêu cầu. "Mấy đứa tối đến hay ra ngoài ban công ngồi hóng gió, tắt điện để tiết kiệm", Lan Phương, bạn cùng phòng với Ánh nói.
Mỗi khi có ai thiếu nhu yếu phẩm, thay vì tìm người phụ trách, nhóm của Ánh tự nguyện tiếp tế hoặc nhường họ dùng trước. Nếu thiếu suất ăn, những bạn trẻ này sẵn sàng nhường suất của mình. "Phòng ở tận tầng 9, mỗi lần lên xuống rất vất vả. Mỗi người nhường nhau một chút thì anh bộ đội đỡ phải leo lên leo xuống nhiều lần, có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn", cô nói.
Sau một tuần, không ai còn đòi hỏi quyền lợi mỗi khi gặp người phụ trách. Rác được bỏ đúng chỗ quy định, lời phàn nàn về đồ ăn thức uống cũng không còn. Nhìn thấy nhau, ai nấy đều nở nụ cười thay cho những khuôn mặt cau có buổi ban đầu.
Ngọc Ánh (thứ 2 từ phải sang) ngồi tại ban công phòng cách ly Pháp Vân với những người bạn cùng phòng. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
"Hành lang tầng 9 còn được khen sạch đẹp nhất khu", Ánh khoe, rồi cho biết các bạn cùng phòng đề nghị trả tiền ăn uống nhưng bị từ chối. "Nếu được em hãy chuyển vào tài khoản của nhà nước", người phụ trách tầng nói.
Cả nhóm cùng ngồi nhẩm tính, mỗi ngày tiền ăn ba bữa gần 100.000 đồng, cộng thêm các nhu yếu phẩm khác, chi phí khoảng 1,5 triệu đồng mỗi người trong 14 ngày cách ly. Ngay ngày hôm sau, Ánh thay mặt ba bạn trong phòng gửi 6 triệu đồng vào tài khoản của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và viết lời nhắn "Cảm ơn Tổ quốc đã cho chúng con trở về".
Những chia sẻ về hành động của nhóm Ánh ở khu cách ly nhận được 1.400 lượt chia sẻ trên trang cá nhân. Trong bài viết của mình, nữ du học sinh nhắn nhủ, khi có lý do buộc phải trở về, những người Việt ở nước ngoài nên suy nghĩ thêm cho người khác. "Đã lựa chọn cho mình một phương án nào thì hãy cố gắng biến phương án đó tốt không chỉ cho bản thân, mà còn tốt cho tất cả mọi người".
Mong muốn lớn nhất của của Ánh và các bạn cùng phòng là được biết tên và khuôn mặt của anh chiến sĩ phụ trách tầng 9, người vẫn hay ghé mặt vào phòng chào "Hello" mỗi sáng. Cô cho hay, nhiều lần hỏi tên nhưng anh từ chối tiết lộ, chỉ chúc mọi người giữ sức khỏe để về đoàn tụ với gia đình.
"Dù không biết tên và khuôn mặt anh, nhưng chỉ cần nhìn vào ánh mắt và nghe giọng nói, dù trong hoàn cảnh nào, tôi cũng sẽ nhận ra", Ánh nói và nhấn mạnh: "Trước đây tình yêu Tổ quốc chỉ hiện hữu qua sách vở, nhưng sau những ngày cách ly, tình yêu đó đã khắc sâu trong tim. Nó hiện hữu thông qua người lính hậu cần ấy".
Hải Hiền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét